(Tổ Quốc) - Tổng cộng từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã giảm giá khoảng 15% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Phiên hôm qua (14/7), yên Nhật đã thiết lập đáy mới sau khi thủng mốc 139 yên đổi 1 USD. Nguyên nhân là do Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt lên mức 9,1% trong tháng 6, mạnh nhất trong hơn 40 năm và cũng cao hơn so với dự đoán, làm dấy lên khả năng Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tổng cộng từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã giảm giá khoảng 15% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Theo giới phân tích, đồng nội tệ của Nhật Bản đang trở thành "nạn nhân" bất ngờ của cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu.
Nguyên nhân nào khiến đồng yên lao dốc?
Các nhà giao dịch tiền tệ ở Tokyo nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến đồng yên giảm giá mạnh đến vậy. Đó là sự đối lập trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản với phần còn lại của thế giới. Trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang trên lộ trình siết chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất kể từ những năm 1990, NHTW Nhật Bản (BoJ) lại đang kiên quyết bảo vệ chính sách nới lỏng tiền tệ.
Thống đốc Haruhiko Kuroda có lý do hợp lý để không chạy theo các nước khác. Chí ít thì tới thời điểm hiện tại, lạm phát của Nhật Bản không gây ra áp lực buộc BoJ phải tăng lãi suất như Fed. Với lợi suất bị kìm hãm bởi một NHTW sở hữu gần một nửa lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành trên thị trường, đồng yên đã trở thành "van xả" để nới rộng khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ngày càng thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển khác. Nguồn: Refinitiv.
Yên càng giảm giá thì lời kêu gọi mua vào càng trở nên lớn hơn. Để tìm kiếm một "vịnh tránh bão" trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có triển vọng bấp bênh như hiện nay, còn điều gì tuyệt vời hơn yên Nhật - đồng tiền vẫn được coi là "hầm trú ẩn an toàn" nhưng lại đang có giá rẻ kỷ lục. Nhưng câu hỏi ở đây là: yên đang yếu, nhưng đồng tiền này có thật sự rẻ?
Nhiều nhà đầu tư nhận định đồng yên đang ở dưới giá trị thực. Tuy nhiên, họ đưa ra nhận định đó vì chưa tính đến những thay đổi lớn trong cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản. Nhiều năm trở lại đây, đất nước mặt trời mọc đang dần chuyển sang mô hình cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu thay vì hướng về xuất khẩu như trước đây.
Trong tháng 5, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại cao thứ hai trong lịch sử, một phần bởi giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng còn có 1 nguyên nhân khác: Nhật đang chuyển từ thặng dư sang thâm hụt thương mại. Sau 1 thập kỷ chứng kiến các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm mạnh.
Cách đây không lâu, Nhật vẫn là hình mẫu điển hình cho mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu mà các nước láng giềng nên noi theo. Tuy nhiên, hiện tại ngành sản xuất của Nhật Bản đã chuyển sang các mặt hàng có giá trị thặng dư cao hơn. Đồng thời để giảm chi phí để có thể cạnh tranh về giá với các đối thủ như Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều công ty đã dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài. Do đó giờ đây Nhật Bản nhập khẩu hàng điện tử nhiều hơn là xuất khẩu sang các nước châu Á khác.
Nếu như trước đây các công ty Nhật Bản bán sản phẩm ở nước ngoài cần đổi số USD mà họ thu được sang yên để trả tiền lương cho người lao động thì ở thời điểm hiện tại họ lại cần nhiều ngoại hối để mua hàng hóa nhập khẩu hơn so với lượng ngoại hối mà họ thu được từ xuất khẩu, do đó đồng yên phải chịu áp lực xuống giá.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng trước nhận định yên Nhật là lá chắn phòng vệ đáng tin cậy trước những biến động của thị trường. Nguyên nhân khiến vị thế tài sản an toàn của yên bị lung lay là sự suy yếu của các giao dịch sử dụng yên để mua các tài sản có lợi suất cao hơn ở nơi khác. Theo thống kê của BoJ, khối lượng yên được các ngân hàng nước ngoài vay qua các chi nhánh của họ ở Tokyo – thước đo chỉ báo nhu cầu của nước ngoài đối với đồng yên – hiện chỉ bằng 40% so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo nên làn sóng nhà đầu tư vội vã bán tháo các tài sản rủi ro, mua vào yên Nhật để đóng vị thế khi rút khỏi các giao dịch chênh lệch lợi suất (carry trade) và đẩy đồng yên tăng giá 19% so với USD.
Cả người dân và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng
Trước đây hầu hết người dân Nhật Bản tin rằng đồng nội tệ giảm giá là điều tốt lành, thậm chí kêu gọi Chính phủ áp dụng các chính sách làm suy yếu đồng yên. Tuy nhiên tình thế hiện tại rất khác.
Yanai Tadashi - Chủ tịch Fast Retailing, công ty sở hữu thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo và là một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, mới đây khẳng định đồng yên lao dốc như hiện nay không mang lại chút lợi ích nào. Đồng nội tệ yếu luôn gây bất lợi cho các hộ gia đình vì khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng lên.
Vậy thì điều gì có thể khiến đồng yên ngừng giảm giá? Chắc chắn là các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ của BoJ không phải là câu trả lời, bởi vì đà giảm giá của yên đến từ các yếu tố vĩ mô cơ bản chứ không phải do hoạt động đầu cơ. Nếu BoJ rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, đó sẽ là cú hích cho đồng yên trong ngắn hạn. Ngoài ra Nhật Bản có thể mở cửa biên giới trở lại để thu hút thêm du khách nước ngoài, từ đó tăng nguồn thu ngoại tệ.
Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Để đồng yên tăng giá bền vững, cán cân thương mại của Nhật Bản phải thay đổi. Việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để làm giảm nhu cầu nhập khẩu năng lượng có thể là một giải pháp. Mang các nhà máy quay trở lại Nhật Bản sẽ là giải pháp dài hơn hơi.
Tham khảo Financial Times, Nippon
Thu Hương