(Tổ Quốc) - Thủ tướng mới đắc cử - ông Yoshihide Suga (71 tuổi) và vị tỷ phú 90 tuổi Warren Buffett – người hồi tháng 8 đã đặt cược 6 tỷ USD vào các công ty thương mại của Nhật Bản, đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sự chú ý đối với quốc gia này.
Theo Bloomberg, dòng vốn ngoại hiện đã quay trở lại với chứng khoán Nhật Bản. Đối với xu hướng mới này, sự tín nhiệm sẽ mang lại thành công tương đối cho Nhật Bản trong việc ứng phó với đại dịch, cũng như có 2 người đàn ông đang thay đổi các nhìn nhận về thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới.
Thủ tướng mới đắc cử - ông Yoshihide Suga (71 tuổi) và vị tỷ phú 90 tuổi Warren Buffett – người hồi tháng 8 đã đặt cược 6 tỷ USD vào các công ty thương mại của Nhật Bản, đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sự chú ý đối với quốc gia này.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1,42 nghìn tỷ yen (13,5 tỷ USD) cổ phiếu Nhật Bản trong tuần kết thúc vào ngày 9/10. Đây là con số cao nhất trong 18 tháng qua và đứng thứ 5 về quy mô lớn kỷ lục. Dòng tiền đổ vào sau đợt mua ròng 530,9 tỷ yen vào tuần trước đó và cũng đánh dấu bước chuyển biến đối với một thị trường từ lâu đã bị nhà đầu tư "xa lánh" – khi họ tìm đến những cái tên hấp dẫn hơn ở Trung Quốc hoặc cổ phiếu nhóm FAANG.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu Nhật Bản vào tháng 10.
Thomas Hayes – chủ tịch công ty quản lý mua/bán cổ phiếu Great Hill Capital, nhận định: "Việc ông Suga lên làm thủ tướng cho chúng tôi thấy rằng nếu bạn từng ưa thích chứng khoán Nhật Bản, thì hẳn là bạn sẽ cảm thấy hấp dẫn ở thời điểm này. Nếu bạn không ưa thích chứng khoán Nhật Bản trước khoản đầu tư của Warren Buffett, thì bạn nên cân nhắc lại – không phải toàn bộ thị trường, thì ít nhất là các công ty thương mại."
Vào cuối tháng 8, Warren Buffett tiết lộ đã mua cổ phần trong 5 công ty thương mại lớn, tất cả đều đang giao dịch thấp hơn so với định giá. Thương vụ này gây chú ý không chỉ vì đây là một bước đi ra khỏi lãnh thổ nước Mỹ hiếm hoi đối với vị huyền thoại đầu tư, mà còn là một ví dụ minh họa cho việc thị trường ông từng không ưa thích đã thay đổi như thế nào.
Trong 1 bài phát biểu năm 1998, Buffett đã chỉ ra lý do tại sao ông không muốn đầu tư vào thị trường Nhật Bản, đó là lợi nhuận trên cổ phiếu thấp và sự thờ ơ của ban quản trị đối với cổ đông. Đây là 2 lĩnh vực mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo ra sự khác biệt, ngay cả khi ông gặp khó khăn để mở rộng quy mô của việc cải cách.
Nick Schmitz – quản lý danh mục đầu tư Nhật Bản tại Boston-based Verdad Advisers, cho biết: "Việc Buffett thực hiện động thái này là tín hiệu mạnh mẽ cho nhiều nhà đầu tư phương Tây, đặc biệt là nhà đầu tư giá trị, rằng Nhật Bản có khả năng là một trong những thị trường có mức ‘giá hời’ nhất." Các cổ phiếu tại Nhật Bản hiện chỉ giao dịch cao hơn 17 lần so với lợi nhuận dự báo, trong khi S&P 50 là 22 lần.
Không giống như ông Abe khi đưa ra những cam kết cải cách lớn khó thực hiện, ông Suga lại tập trung vào những mục tiêu nhỏ hơn và có thể đạt được. Điểm nổi bật nhất trong số đó là "chuyển đổi số" – một cuộc cải cách quan trọng đối với quốc gia vốn có nhiều thủ tục giấy tờ và kém hiệu quả trong khu vực công. Hiện tại, chính phủ đang thành lập một "Cơ quan Kỹ thuật số" để thể hiện cách tiếp cận nhanh chóng.
Trong khi các chính trị gia Mỹ đang tranh cãi về biện pháp kích thích, Suga vẫn đang tiến lên, với các nhà lập pháp được cho là đã đề xuất gói kích thích lên tới 40 nghìn tỷ yen (380 triệu USD). Vị Thủ tướng đã yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhỏ và chủ trì 1 phiên họp quốc hội bắt đầu vào ngày 19/10.
John Vail – trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu tại Nikko Asset Management, cho hay: "Nhà đầu tư nước ngoài thật sai lầm khi nghĩ rằng sự ổn định ở Nhật Bản không mang ý nghĩa gì. Tất cả mục tiêu của ông Suga dường như đang đi rất đúng hướng."
Đương nhiên, điều này cũng giúp ích cho Nhật Bản trong việc ứng phó với đại dịch. Hầu hết mọi lĩnh vực trong xã hội đều được tiếp tục hoạt động bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Bảng cân đối kế toán của nước này vẫn tương đối lành mạnh. Và ngay cả khi có sự thay đổi về vị trí lãnh đạo, chính trị Nhật Bản vẫn ổn định – khi không có Brexit, không có mối đe dọa về sự tranh chấp do kết quả bầu cử hay chiến tranh thương mại.
Chỉ số Nikkei 225 đã xóa bỏ hoàn toàn mức giảm từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, Nikkei 500 cũng tăng vượt qua mức đỉnh năm 1989 và khối lượng dòng vốn nước ngoài đổ vào chỉ số của các startup – Mothers, cũng chạm mức cao mới.
Trong một báo cáo ngày 6/10, Goldman Sachs cho biết chứng khoán Nhật Bản có thể tăng trưởng tốt hơn nhờ những yếu tố bao gồm hoạt động M&A, ví dụ thương vụ mua lại NTT Docomo trị giá 40 tỷ USD.
Dù Nhật Bản đón nhận nhiều thông tin tích cực vào cuối năm, nhưng những rào cản vẫn còn đó. Schimitz cho biết, tính thanh khoản vẫn thấp đối với các công ty vốn hóa nhỏ và nhà đầu tư rót tiền đều phải vượt qua tâm lý từ lâu đã đánh giá thấp thị trường này. Ông cho biết: "Đối với bất kỳ ai từ 30 đến 60 tuổi đều mặc định rằng chứng khoán Nhật Bản không khác gì bong bóng năm 1989."
Hơn nữa, đà tăng giá của cổ phiếu các công ty mà Warren Buffett đầu tư đang "tắt" dần, do thiếu yếu tố thúc đẩy mới và sự sụt giảm của thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy rằng ở 1 số giai đoạn, chứng khoán Nhật Bản lại hấp dẫn, khó có thể bỏ qua.
Hôm 7/10, Tomo Kinoshita – chiến lược gia toàn cầu tại Invesco Asset Management, cho biết thị trường chứng khoán tăng điểm mỗi tuần vào tháng trước, ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong nước kỳ vọng mạnh mẽ vào chính quyền ông Suga. Vail cho hay: "Có lẽ lợi ích lớn nhất từ thương vụ đầu tư của Buffett sẽ là sự ấn tượng đối với nhà đầu tư trong nước. Nhật Bản không cần nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy đà tăng."
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam