(Tổ Quốc) - Mississippi và Missouri vừa trở thành những chính quyền mới nhất đệ đơn kiện Chính phủ Trung Quốc với cáo buộc phản ứng của Bắc Kinh dẫn đến thiệt hại kinh tế của bang này vì virus corona.
Tuần trước, hai tiểu bang của nước Mỹ vừa thêm tên mình vào danh sách dài các chính quyền kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại. Trước đó, Anh, Đức và Australia cũng đã có những hành động pháp lý tương tự trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và gây ra những thiệt hại to lớn cả về nhân mạng và tài sản.
Những hành động pháp lý chống Trung Quốc liên quan đến đại dịch Covid-19 đang ngày càng tăng trên khắp thế giới. Bùng phát lần đầu ở Thành phố Vũ Hán, virus corona chủng mới đã lan tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm gần 200.000 thiệt mạng và gần 3 triệu trường hợp nhiễm bệnh.
Đơn kiện của bang Missouri được gửi lên một tòa án liên bang bởi Tổng chưởng lý Eric Schmitt. Bang này cáo buộc Trung Quốc đã sơ suất, khiến họ phải trả giả hàng chục tỷ USD. Phía chính quyền tiểu bang Missouri muốn được bổi thường bằng tiền mặt.
"Chính phủ Trung Quốc đã nói dối thế giới về sự nguy hiểm cũng như bản chất lây lan của virus corona, buộc những người thổi còi im lặng và không làm gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình", Tổng chưởng lý Eric Schmitt, một người Cộng hòa, cho biết trong một tuyên bố.
Nhiều vụ kiện khác cũng đã được đệ trình lên tòa án Mỹ, thay mặt cho các doanh nghiệp, bao gồm một vụ kiện tập thể ở Florida nhằm yêu cầu sự bồi thường từ Chính phủ Trung Quốc liên quan tới virus corona thay cho hàng nghìn người. Những người đệ đơn kiện lập luận rằng nếu thông tin chính xác được cung cấp ngay từ đầu, dịch bệnh có thể đã không tồi tệ đến thế.
Những vụ kiện đã ngay lập tức bị phía Trung Quốc bác bỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định họ công khai, minh bạch và có trách nhiệm trong việc báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước liên quan, bao gồm cả Mỹ, về những thông tin dịch bệnh.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cho rằng tòa án Mỹ không có thẩm quyền để xét xử Trung Quốc trong việc đối phó với dịch bệnh, điều được đảm bảo dựa trên nguyên tắc bình đẳng của luật pháp quốc tế với những quốc gia có chủ quyền.
Cáo buộc thiếu trách nhiệm
Phán quyết với những vụ kiện tương tự như hành động của bang Missouri có thể không được Trung Quốc chấp thuận. Tuy nhiên, số lượng ngày càng tăng các hành động pháp lý chống Trung Quốc gây ra những tác động không nhỏ tới vai trò và vị thế của nền kinh tế số 2 thế giới, quốc gia luôn muốn khẳng định mình trên trường quốc tế.
Trước đó, Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức độc lập thiên hướng bảo thủ của Anh, đã lập luận rằng Trung Quốc bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế trong việc báo cáo những thông tin quan trọng về sức khỏe cộng đồng một cách kịp thời, chính xác và chi tiết. Tuy nhiên, nhóm này cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình khi dịch bùng lên cuối tháng 12/2019 và tháng 1/2020.
"Sơ suất của Trung Quốc đã khiến G7 mất 4.000 tỷ USD và thế giới chịu thiệt hại một khoản tiền không thể đong đếm. Nếu thông tin chính xác được cung cấp ngay từ đầu, có lẽ dịch sẽ không thể bùng phát ngoài Trung Quốc", báo cáo của Hiệp hội Henry Jackson cho biết.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng liên tiếp công kích các đơn kiện. "Trước khi yêu cầu Trung Quốc chi trả các tổn thất do đại dịch gây ra, Vương quốc Anh nên xem họ nợ Trung Quốc và thế giới bao nhiêu khi coi họ là thuộc địa của mình", Thời báo Hoàn cầu đáp trả những thông tin trong báo cáo của Hiệp hội Henry Jackson.
Trung Quốc có vi phạm luật pháp quốc tế hay không?
Ở Đức, Bild, tờ báo lớn nhất tính theo số lượng lưu hành, đã cáo buộc Trung Quốc nợ Đức số tiền 160 tỷ USD về những gì địch bệnh gây ra. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã phản ứng giận dữ thông qua một bức thư ngỏ, nói rằng bài báo này thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, định kiến và sự thù địch chống lại Trung Quốc.
Ở Australia, các nhà lập pháp cũng kêu gọi bồi thường và Đại sứ quán Trung Quốc cũng có phản ứng tương tự và gọi đó là "những lời vu khống" và "độc hại".
Ở những nơi khác, Hội đồng Luật sư Quốc tế tại London cũng như Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ cũng đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để yêu cầu Trung Quốc bồi thường.
Hiệp hội Henry Jackson nói rằng Trung Quốc có thể bị đưa tới Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.
Tuy nhiên, những điều này không dễ thực hiện.
Dù có quy chế giải quyết tranh chấp theo Quy định Y tế Quốc tế nhưng Tòa trọng tài chỉ có thể làm việc khi Trung Quốc đồng ý, điều rất khó để xảy ra. Trong khi đó, tòa án các nước không có quyền xử Trung Quốc bởi họ là một quốc gia có chủ quyền.
Linh Anh