(Tổ Quốc) - Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc có thể huy động được 7,5 tỷ USD trong năm nay bằng cách niêm yết cổ phiếu tại Thượng Hải - một động thái có thể giúp Trung Quốc đại lục giảm sự phụ thuộc vào những con chip nước ngoài.
Tuần trước,tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) - đã giao dịch tại Hồng Kông - cho biết họ muốn huy động ít nhất 6,6 tỷ USD. Tuy nhiên, họ có thể đạt được con số lớn hơn nếu thực hiện "tùy chọn phân bổ vượt mức" và phát hành thêm cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.
7,5 tỷ USD dự kiến huy động được sẽ khiến thương vụ chào bán cổ phần của SMIC có giá trị lớn thứ ba thế giới trong năm nay, theo Dealogic. Đây cũng sẽ là đợt chào bán lớn nhất của Trung Quốc tại đại lục kể từ khi Ngân hàng Nông nghiệp chính thức bán cổ phiếu cho công chúng vào năm 2010, theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv.
SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất tại Trung Quốc, khi mang về doanh thu 22 tỷ nhân dân tệ (3,1 tỷ USD) vào năm 2019. Họ cũng là nhà sản xuất chip độc lập lớn thứ tư trên thế giới về doanh số năm 2018, sau công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSM), GlobalFoundries và United Microelect Electronic Corporation, theo IC Insights. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng dành cho tất cả các nhà cung cấp chất bán dẫn - bao gồm cả những tên tuổi lớn như Intel và Samsung - công ty đến từ Trung Quốc này thậm chí không nằm trong top 10 thế giới.
SMIC, với cổ đông lớn là các công ty quốc doanh, cho biết trong bản cáo bạch rằng họ muốn sử dụng nguồn tiền trên để đầu tư vào công nghệ và bắt kịp các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.
Quyết định niêm yết tại Thượng Hải cho thấy SMIC nghĩ rằng họ có thể tăng trưởng tốt nhất bằng cách dựa vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Công ty này từng giao dịch trên thị trường chứng khoán New York, nhưng đã hủy niêm yết hơn một năm trước, với lý do khối lượng giao dịch thấp. Và trong những tuần kể từ khi công bố kế hoạch niêm yết tại Trung Quốc đại lục, họ đã huy động được hơn 2 tỷ USD từ các quỹ phát triển do chính phủ hậu thuẫn.
SMIC chưa cho biết khi nào sẽ bắt đầu giao dịch, nhưng họ đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Star Market của Trung Quốc - một thị trường chứng khoán theo phong cách Nasdaq được ra mắt cách đây một năm.
Một khoảng cách "dai dẳng"
Phần lớn nguồn cung cấp chipset - bộ phận cung cấp năng lượng cho tất cả mọi thứ từ điện thoại thông minh và máy tính đến thiết bị viễn thông - của Trung Quốc là từ các công ty nước ngoài. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu một lượng chip có giá trị lên đến 306 tỷ USD, tương đương 15% giá trị tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, theo thống kê của chính phủ.
Bắc Kinh đã cam kết cải tiến công nghệ sản xuất chip và theo kịp các công ty đang dẫn đầu trong ngành này vào năm 2030. Thông qua sáng kiến Made in China 2025, nước này đang cố gắng cạnh tranh với Mỹ trong việc phát triển các công nghệ của tương lai.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng SMIC vẫn còn một chặng đường dài để trở thành một đối thủ đủ khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
"SMIC hiện chậm hơn TSMC về công nghệ khoảng 5 năm và chúng tôi tin rằng khoảng cách đó sẽ còn tồn tại trong 5 năm tới", các nhà phân tích của Citi viết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước.
Chẳng hạn, TSMC và Samsung có khả năng sản xuất các chipset nhỏ có thể đóng gói nhiều công nghệ hơn vào một không gian nhỏ hơn, các nhà phân tích từ Jefferies viết trong một nghiên cứu gần đây.
Trong bản cáo bạch của mình, SMIC thừa nhận rằng họ phải thu hẹp khoảng cách với các công ty hàng đầu trên toàn cầu, và cho biết thêm rằng họ phải chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển để làm được điều đó.
Những rủi ro từ án phạt dành cho Huawei
Nhà sản xuất chip của Trung Quốc cũng đối mặt với rủi ro khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, gây ảnh hưởng đến mọi thứ, từ an ninh quốc gia, thương mại đến công nghệ.
SMIC sử dụng phần mềm và thiết bị do Mỹ sản xuất để tạo ra chip của mình, sau đó cung cấp cho các công ty khác - bao gồm cả công ty công nghệ Trung Quốc Huawei. Nhưng hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một quy định hạn chế các công ty xuất khẩu chipset máy tính và những thành phần quan trọng khác cho Huawei nếu các công ty đó sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chúng.
"SMIC chắc chắn sẽ bị quy định mới của Mỹ yêu cầu cần phải có giấy phép xuất khẩu từ Mỹ trước khi có thể tạo ra bất kỳ chipset nào cho Huawei. Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ không thể tưởng tượng được khi SMIC không tuân thủ quy tắc mới vì điều đó sẽ khiến họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung thiết bị và sự tiếp cận với phần mềm của Mỹ", các nhà phân tích của Jefferies cho biết.
Trong bản cáo bạch của mình, nhà sản xuất chip này đã cảnh báo rằng các hạn chế công nghệ của Mỹ có thể tạo ra những trở ngại khiến họ không thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng của mình, dù không đề cập cụ thể bất kỳ cái tên nào. Những cuộc xung đột thương mại và tranh chấp ngoại giao giữa Trung Quốc và các quốc gia khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị ở nước ngoài của công ty, SMIC cho biết thêm.
Tham khảo: CNN
Lê Thanh Hải