(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nhiều nơi đang phong tỏa, lĩnh vực bất động sản suy thoái và giá dầu tăng cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hướng đến những lĩnh vực "quen thuộc" nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đó là 50 triệu công nhân xây dựng của quốc gia này.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng lần này có gì khác?
Theo thông báo của Bắc Kinh, chính quyền các địa phương đã thành lập danh sách hàng nghìn "dự án lớn" để chuẩn bị thông qua. Phân tích của Bloomberg cho thấy, các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch trong năm nay có giá trị ít nhất 14,8 nghìn tỷ NDT (2,3 nghìn tỷ USD). Con số này cao hơn gấp đôi mức chi tiêu trong gói cơ sở hạ tầng mà Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái với 1,1 nghìn tỷ USD được giải ngân trong 5 năm.
Giống Washington, phần lớn gói chi tiêu này nhằm vào cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và kỹ thuật số. Tuy nhiên, Trung Quốc sở hữu số lượng đường sắt cao tốc nhiều gấp đôi so với phần còn lại của thế giới cộng lại và được công nhận là dài nhất thế giới.
Do đó, họ đang thay đổi cơ cấu của gói chi tiêu cho lĩnh vực xây dựng. 30% trong khoản chi tiêu đó là dành cho cơ sở hạ tầng truyền thống, ví dụ như đường bộ và đường sắt. Hơn một nửa hướng tới hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ: nhà máy, khu công nghiệp, vườn ươm công nghệ và thậm chí cả công viên giải trí.
Nancy Qian – giáo sư tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, cho biết: "Hiện tại, Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng cơ bản hiện đại. Do đó, việc tập trung đầu tư vào sản xuất là điều hợp lý."
Sự thay đổi trong trọng tâm lần này phản ánh cam kết của Bắc Kinh trong việc đảm bảo việc giữ vững thị phần lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, ngay cả khi đang phát triển các lĩnh vực hiện đại hơn như xe điện, pin, năng lượng tái tạo và chip. Trung Quốc đã có một dự án thực hiện theo mục tiêu này là mở rộng Trung tâm Công nghệ cao Trung Quan Thôn (Công viên Z) ở ngoại ô Bắc Kinh trị giá 2,2 tỷ NDT để "ươm mầm" cho thế hệ startup công nghệ mới.
Công trường xây dựng tại Công viên Z.
Tại khu vực này, những chiếc cần cẩu được xếp quanh một cái hố khổng lồ để xây móng. Để tránh sự bùng phát của dịch bệnh, các công nhân phải làm việc tại chỗ - di chuyển giữa ký túc xá và địa điểm làm việc, và được xét nghiệm hàng tuần.
Zhang Hongqiang – công nhân xây dựng 49 tuổi làm việc tại khu công trường này, chia sẻ: "Kiếm việc ở thời đại này không hề dễ dàng. Tôi phải đi đến bất cứ nơi nào có việc." Hongqiang quê ở tỉnh Sơn Đông, cách đó khoảng 400 km. Anh kiếm được 6.000 NDT/tháng, bằng 1/3 mức lương trung bình của người lao động ở Bắc Kinh.
Bên cạnh giúp những người như Zhang có việc làm, việc thúc đẩy hoạt động xây dựng còn có mục đích đảm bảo Trung Quốc duy trì mục tiêu tăng trưởng 5,5%. TTCK – vốn đã biến động mạnh vì cuộc trấn áp quy định với lĩnh vực công nghệ và bất động sản chìm trong nợ, cũng có thể nhận được đà thúc đẩy. Tính đến thời điểm này, CSI 300 đã giảm 13,4% từ đầu năm đến nay, nhưng một chỉ số theo dõi các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng giảm 4,7%.
Cũng như trước đây, đợt kích thích lần này có khả năng thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu với hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, hành động này cũng có khả năng khiến lạm phát trở nên căng thẳng hơn, ở thời điểm nhiều quốc gia phải đối phó với cú sốc về giá năng lượng. Trong dài hạn – khi các dự án lớn trong năm nay cần 3-5 năm để hoàn thành, một hiệu ứng diễn ra trên toàn cầu có thể sẽ là lạm phát bớt nóng vì các nhà máy Trung Quốc tăng cường sản xuất các mặt hàng như vi mạch.
Ngoài ra, không thể kể đến những tác động về môi trường, do các dự án lớn được Bắc Kinh phê duyệt được miễn yêu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả. Lauri Myllyvirta – đến từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho biết liệu Trung Quốc có gắn bó với mô hình kích thích xây dựng khi tăng trưởng giảm tốc hay không là yếu tố duy nhất quyết định mục tiêu giảm phát thải trong tương lai của nước này. Trong khi đó, một lĩnh vực mới trong khoản đầu tư là năng lượng tái tạo, điều này giúp hạn chế sản lượng khí nhà kính trong dài hạn.
Đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng
Những mục tiêu của gói kích thích mới thể hiện sự thay đổi hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc. Tốc độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã giảm dần trong thập kỷ qua, nhờ các chính sách do Bắc Kinh ban hành nhằm hạn chế mức nợ cao: Mức tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng năm ngoái chỉ đạt 0,4% trong khi 1 thập kỷ trước là 20% hàng năm.
Theo Justin Lin – cựu kinh tế trưởng của WB, nhận định: "Xu hướng này sẽ bị đảo ngược". Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tăng 8% trong năm 2022.
Với sự bùng nổ trong năm nay, Trung Quốc đang đặt cược rằng các dự án sẽ không thất bại và trở thành gánh nặng cho hệ thống tài chính với những khoản nợ không thể thanh toán.
Đây thực sự là một canh bạc đối với sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà máy tại đây có thể sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép và 1,5 tỷ tấn xi măng/năm, trong khi đội ngũ công nhân xây dựng vẫn được trả lương thấp. Các công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước – thuộc hàng lớn nhất nhì thế giới, đã có kinh nghiệp giám sát hàng nghìn dự án từ Bắc Kinh cho đến Budapest.
Các nhà kinh tế phương Tây cho rằng kinh tế Trung Quốc từ lâu đã phụ thuộc quá nhiều vào các dự án xây dựng công có giá trị lớn. Những lời chỉ trích này dần biến mất khi các cảng và hệ thống giao thông nước này vượt quá khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất chưa từng có trong thời kỳ đại dịch, gây ra những khó khăn trong chuỗi cung ứng và góp phần đẩy lạm phát ở các quốc gia khác tăng cao.
Sự kiện khởi công Legoland.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho biết nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của nước này vẫn rất lớn. Họ có tới 60 thành phố với hơn 3 triệu cư dân nhưng lại không có hệ thống tàu điện ngầm.
Bắc Kinh đang nỗ lực tránh những áp lực nợ như các đợt kích thích đầu tư trước đó. Để thực hiện được điều này, ông Tập đã tìm đến một vị quan chức đáng tin cậy. Đó là He Lifeng (67 tuổi), ông là cố vấn kinh tế của ông Tập khi còn là thống đốc tỉnh Phúc Kiến cách đây 20 năm. Giờ đây, ông điều hành cơ quan quy hoạch, chịu trách nhiệm phê duyệt toàn bộ các dự án xây dựng lớn đó là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Ông He đã nêu ra các ưu tiên của cơ quan này trong một cuộc họp báo vào tháng 3. Ông biết, đầu tư là hoạt động "tạo động lực cho tương lai", yêu cầu các quan chức "tăng tốc" đối với hoạt động xây dựng.
Chỉ riêng Bắc Kinh đã có tới 300 dự án lớn
Để thấy động lực xây dựng ở Trung Quốc đang hình thành như thế nào, hãy nhìn vào thủ đô Bắc Kinh. Danh sách 300 dự án lớn ở thành phố này cần đến 280 tỷ NDT trong năm nay, trong số đó bao gồm nhân giống gấu trúc, xây dựng công viên giải trí Legoland và nhà máy sản xuất xe điện của Xiaomi.
Danh sách này cho thấy rằng giới chức địa phương muốn tăng tài trợ cho các dự án mà tránh thúc đẩy nợ, khi yêu cầu các công ty tư nhân tăng cường đầu tư từ chính lợi nhuận của họ. Theo Morgan Stanley, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã sôi nổi trở lại sau đại dịch và được thúc đẩy bởi đợt giảm thuế, theo đó đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tăng 10% trong năm nay.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang áp dụng một số hình thức huy động vốn mới, sử dụng hàng nghìn tỷ USD tiền từ quỹ sử dụng cho thời điểm khó khăn (rainy day fund), cùng tài sản thuộc sở hữu của NHTW và các công ty nhà nước, cho chính quyền các địa phương.
Chính quyền các tỉnh đã phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt ở mức kỷ lục 1,25 nghìn tỷ NDT trong quý I để tài trợ cho hoạt động đầu tư. Theo Bộ Tài chính nước này, trái phiếu được bán vào tháng 2 có thời gian đáo hạn trung bình hơn 16, do đó dòng tiền ít có rủi ro hơn so với các khoản vay ngân hàng.
Song, doanh số bán trái phiếu chính quyền địa phương và khoản tiền đầu tư theo kế hoạch vẫn có sự chênh lệch lớn. Khoảng cách này có thể sẽ được các ngân hàng quốc doanh bù đắp, khi họ có thể khai thác nguồn tiền tiết kiệm khổng lồ của các hộ gia đình với chi phí thấp.
Cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng đẩy nhanh việc cho vay với các nhà sản xuất và dự án cơ sở hạ tầng. Chính quyền địa phương cũng tổ chức các cuộc họp để kết nối các quan chức ngân hàng với doanh nghiệp được giao cho các dự án lớn.
Hiện tại, Bắc Kinh đang tận dụng khu vực xung quanh Sân bay Quốc tế Đại Hưng mới được xây dựng thành một trung tâm logistics lớn cho lĩnh vực thương mại điện tử và nghiên cứu ngành hàng không. Dự án này là một phần của động lực phát triển các vùng ngoại ô của Bắc Kinh, được tài trợ bằng khoản vay 400 tỷ NDT từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).
Đối với Su Lijun – một tài xế giao đồ ăn làm việc gần sân bay Đại Hưng, tác động đến nền kinh tế địa phương này là rất rõ ràng. Anh nói: "Nửa năm trước, số lượng shipper như tôi chỉ là khoảng 10 người. Bây giờ chúng tôi có 100 người, giao từ 50-60 đơn hàng mỗi ngày, gấp đôi so với lượng đặt hàng ở nửa năm trước."
Tham khảo Bloomberg
Chi Lan