(Tổ Quốc) - Cách tiến cận độc đáo để quản lý nước của Hà Lan là một bài học quan trọng cho các quốc gia trên thế giới trong việc phòng chống lũ lụt.
Mưa lũ thảm khốc xuất hiện ở châu Âu
Việc quản lý nguồn nước đặc biệt quan trọng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng mưa cực đoan.
Tây Âu vào đầu tháng 7 đã phải hứng chịu mưa lớn dữ dội và lũ lụt tàn phá khắp nơi. Đức và Bỉ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa lớn ngày 14-15/7. Các nhà chức trách báo cáo có hơn 200 người thiệt mạng khi lũ lụt nhấn chìm toàn bộ các ngôi làng. Một số khu vực của Thụy Sĩ, Pháp, Luxembourg và Hà Lan cũng chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, khi con sông Meuse, chảy qua Pháp, Bỉ, Hà Lan, đạt mực nước cao kỷ lục, thì quy mô tàn phá của lũ ở Hà Lan lại không giống những nơi khác. Các chuyên gia về lũ lụt cho biết, từ nhiều thập kỷ, việc đầu tư vào công tác phòng ngừa lũ lụt đã giúp Hà Lan hạn chế thiên tai.
Henk Ovink, một chuyên gia về lũ lụt và đặc phái viên của Hà Lan về các vấn đề nước quốc tế, trả lời phỏng vấn của CNBC rằng nhờ rất nhiều nỗ lực cải tạo hệ thống sông ngòi đã giúp Hà Lan đối phó với lượng lớn nước đổ qua.
Các biện pháp như mở rộng và đào sâu các kênh sông là phần trọng tâm của chính sách mang tên "Không gian cho dòng sông" của chính phủ. Chính sách này đưa ra mức độ bảo vệ cao cho các con đập, hào và đê cùng các kế hoạch sơ tán để đảm bảo người dân được di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Ovink cho biết, những nỗ lực của Hà Lan không phải đưa ra để so sánh hơn thua, nhưng là để giúp các quốc gia rút ra bài học từ thảm họa đã qua. Những trận thiên tai như tia X, soi ra những phần yếu kém của hệ thống cấp thoát nước đô thị và sự phụ thuộc giữa hệ thống, cơ sở hạ tầng và xã hội. Thực trạng hiện tại là gánh nặng nhưng cũng là cơ hội để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Hà Lan với lịch sử chống chọi những trận lụt lớn
Hà Lan trước đây đã từng hứng chịu rất nhiều trận lũ lớn. Trận lụt kinh hoàng ở Biển Bắc năm 1953 đã nhấn chìm 162.000 ha đất và khiến 1.835 người thiệt mạng. Chính trận lũ này đã thúc đẩy Hà Lan xây dựng Delta Works, hệ thống chống lũ lụt lớn nhất thế giới ở phía tây nam đất nước.
Nhiều thập kỷ sau, lũ lụt ở sông Rhine và sông Meuse vào năm 1993 và 1995 lại khiến hơn 200.000 người phải sơ tán. Những sự kiện thảm khốc ấy đã thay đổi thái độ của Hà Lan trong việc bảo vệ nguồn nước và sớm mở đường cho chương trình "Không gian cho dòng sông".
Chuyên gia quản lý lũ lụt đô thị William Veerbeek cho biết vì Hà Lan nằm ở vùng đồng bằng, nơi các con sông lớn đổ ra biển, nên chương trình "Không gian cho Dòng sông" đặc biệt quan trọng.
Chuyên gia lũ lụt Ovink đã đề xuất ba cách để các quốc gia cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với lũ lụt.
Đầu tiên, các quốc gia cần phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu trong mọi vấn đề. Điều này liên quan đến mục đích chính của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thứ hai, mỗi khoản đầu tư đều phải tính đến khả năng phục hồi và thích ứng của thiên thiên. Và thứ ba là thực hiện với tất cả các bên liên quan từ cấp cộng đồng trở lên.
Delta Works là hệ thống chống lũ lụt lớn nhất thế giới ở Hà Lan.
Chương trình "Không gian cho dòng sông"
Chương trình "Không gian cho dòng sông" là một sáng kiến giảm nhẹ lũ lụt của Hà Lan, được chính phủ phê duyệt năm 2006 với kinh phí 2,3 tỷ Euro.
Chương trình bao gồm 9 biện pháp giảm thiểu lũ lụt nhằm tạo thêm khoảng trống cho dòng sông. Một trong những biện pháp trong yếu là làm sâu lòng sông bằng việc nạo vét thường xuyên để có thêm diện tích cho nước chảy. Nhờ đó, nước lũ chảy qua khu vực được nhanh hơn. Mặt khác, hệ thống lưu trữ nước như các hồ chứa có thể giúp tránh dòng nước chảy xiết.
Một phương pháp đặc biệt khác là xây dựng kênh nước cao dọc theo các con sông. Kênh nước cao là kênh nước thứ cấp chuyển một phần nước lũ qua vùng ngập lụt. Thông thường, những kênh nước này thường để trống và thảm thực vật trong lòng kênh có thể giúp dòng nước chảy chậm lại và một phần thấm vào lòng đất.
Ngoài ra, các biện pháp di dời đê, gia cố đê bao, đào vùng ngập lũ, tạo rãnh thấp thoát nước, tạo vùng đất bao bọc đê và loại bỏ chướng ngại vật cũng góp phần hạn chế ảnh hưởng của lũ.
Vấn đề khôi phục dân cư vùng lũ
Vấn đề quy hoạch không gian cũng là một bài toán cần được cân nhắc. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên xây dựng lại khu dân cư ngay tại địa điểm bị lũ tàn phá?
Theo các chuyên gia, ít nhất thì những cơ sở quan trọng như nhà hưu trí, bệnh viện phải được đảm bảo không nằm trong các khu vực dễ bị ngập lụt.
Hơn nữa, một thế hệ các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư mới có nhận thức nâng cao về các rủi ro liên quan đến khí hậu sẽ tạo ra sự khác biệt trong quy hoạch khu dân cư mới.
Các nhà khoa học dự đoán hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng xảy ra thường xuyên trong bối cảnh khí hậu thay bổi. Cảnh báo được đưa ra khi châu Âu và Trung Quốc phải hứng chịu lũ lụt, khô hạn kỷ lục gây cháy rừng bao trùm Siberia và nắng nóng chưa từng thấy ở miền tây Bắc Mỹ trong thời gian gần đây.
Khánh Ly