(Tổ Quốc) - Ván bài năng lượng này đang ngày càng trở nên đáng sợ hơn và đến cả những kẻ ngoài cuộc có thể cũng mất mát đủ đường.
Cách đây không lâu, dường như ván bài năng lượng giữa Nga và châu Âu mặc dù nguy hiểm nhưng đã được kiểm soát. Dầu và khí đốt là một trong số ít lĩnh vực mà châu Âu không áp đặt các lệnh trừng phạt. Nga đã giữ cho nguồn cung tiếp tục chảy.
Thật vậy, châu Âu đã suy tính việc cấm nhập khẩu năng lượng. Trong khi đó vào cuối tháng 3, Nga yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro hoặc đô la, nếu không sẽ bị khoá van.
Song, mỗi bên đều cho rằng bên kia không đủ can đảm để "chơi tới cùng". Rốt cuộc, châu Âu nhập khẩu được 40% khí đốt từ Nga, từ đó Nga kiếm được 400 triệu euro (422 triệu USD) mỗi ngày từ doanh số bán hàng của mình.
Tuy nhiên, vào ngày 27/4, Nga đã tăng rủi ro cho ván bài. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom đã ngưng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, sau khi hai nước này bỏ lỡ thời hạn mà Nga đặt ra để thanh toán bằng đồng rúp. EU đang cố gắng đáp trả động thái này. Giá khí đốt châu Âu đã tăng "dựng đứng" sau tin tức trên.
Hiệu quả tức thì từ động thái mới nhất của Nga bị giới hạn phạm vi. Nhập khẩu của Ba Lan và Bulgaria cộng lại chỉ chiếm 8% tổng nhập khẩu của EU. Hợp đồng của Ba Lan với Nga dù sao cũng sẽ hết hạn vào tháng 12. Do đó, doanh thu mà Nga đánh mất do vi phạm hợp đồng là rất nhỏ.
Nhập khẩu khí đốt ở một số quốc gia châu Âu trong năm 2021.
Xi Nan của công ty tư vấn Rystad Energy cho biết, mặc dù cả Bulgaria và Ba Lan đều phụ thuộc phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, hai quốc gia này vẫn có thể đối phó với việc bị khoá van.
Ba Lan sẽ bắt đầu nhận khí đốt từ Na Uy vào tháng 10. Các trạm đầu cuối có thể giúp nước này nhập khẩu nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hơn. Bulgaria cũng sẽ bắt đầu nhập khẩu khí của Azerbaijan thông qua Hy Lạp vào cuối năm nay.
Không rõ quốc gia nào tiếp theo sẽ bị cắt khí đốt. Thời hạn thanh toán bằng đồng rúp của Nga phần nào phản ánh chi tiết các hợp đồng không được công khai. Nhưng các nguồn tin tờ The Economist thu thập được cho thấy thời hạn kế thúc vào tháng 5.
Mức cược là rất cao. Châu Âu không cần khí đốt ngay bây giờ khi nhiệt độ ấm dần và mức tiêu thụ giảm. Nhưng các kho dự trữ của khối chỉ ở mức 33% dung tích lưu trữ. Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc giục các quốc gia thành viên đảm bảo các kho lưu trữ của họ phải đầy 80% vào tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nếu Nga khoá van với các nhà nhập khẩu lớn, nước này sẽ tự đánh mất một khoản tiền mặt cần thiết. Vậy ai sẽ là người hạ bài trước? Hầu hết người mua khí đốt ở châu Âu đã từ chối việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Nhưng Moscow đang đưa ra một số thỏa hiệp.
Các nhà nhập khẩu sẽ mở hai tài khoản ở ngân hàng Gazprombank (ngân hàng không bị trừng phạt). Họ sẽ trả bằng đồng euro vào tài khoản đầu tiên, sau đó yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền đó thành đồng rúp. Tiền đó sẽ được gửi vào tài khoản thứ hai đến cho Gazprom.
Nhiều quốc gia châu Âu không thích kế hoạch này. Các nước châu Âu sẽ chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm Bỉ, Anh và Tây Ban Nha, là các nước nhập khẩu ít hoặc không nhập khí đốt trực tiếp từ Nga và có thể từ chối thỏa hiệp.
Nhóm thứ hai bao gồm những nhà nhập khẩu lớn như Đức và Italy. Họ khó có thể thay thế nhanh chóng khí đốt của Nga nên có thể thực hiện thỏa thuận.
Nhóm thứ ba bao gồm các quốc gia chỉ phụ thuộc một phần vào Nga và cũng có thể có các hợp đồng sắp hết hạn.
Ngay cả kịch bản này cũng tạo ra sự bấp bênh. Một quốc gia bị cắt khí đốt có thể tác động trực tiếp đến các quốc gia khác. Cũng không rõ nước nào sẽ thực hiện thỏa thuận của Nga, hoặc liệu Nga cuối cùng có thể khóa van.
Chẳng hạn nếu Đức bị ngừng cung cấp khí đốt, thị trường sẽ trở nên tồi tệ. Giá khí đốt của châu Âu đã cao gấp 6 lần so với 1 năm trước. Giá sẽ chạm mốc kỷ lục mới, thu hút thêm LNG từ khắp nơi trên thế giới và đẩy giá nơi khác lần lượt tăng.
Jack Sharples thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho rằng việc ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu có thể gây ra suy thoái toàn cầu. Ván bài của Nga ngày càng trở nên đáng sợ hơn và những người ngoài cuộc cũng có thể trắng tay.
Theo The Economist
Khánh Ly