(Tổ Quốc) - Một chiếc xe tải chở dầu đã lao vào đám đông người biểu tình ôn hòa gần Minneapolis hôm 31/6, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bạo lực, vốn đã rất phức tạp, trong các cuộc biểu tình ở Mỹ.
Người tài xế bị kéo khỏi cabin và bị đám đông đánh hội đồng. Dường như không có bất cứ người biểu tình nào bị thương khi chiếc xe lao vào một đoạn cao tốc bị cấm ở khu vực, nơi đám đông tập trung để phản đối việc cảnh sát ghì chết một người da màu có tên George Floyd hồi tuần trước. Dẫu vậy, những hành động bạo lực và bộc phát như việc lao xe tải vào đám đông có thể kéo theo những hệ lụy thảm khốc.
Theo một nhân chứng, tài xế bị lôi khỏi cabin và bị hành hung trước khi người này bị cảnh sát thành phố Minneapolis bắt. Nhà chức trách địa phương cũng mô tả hành động này là đáng quan ngại, kích động bạo lực trong đám đông biểu tình ôn hòa. Người lái xe bị thương nhưng không nghiêm trọng.
Bạo lực liên quan đến cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu không vũ trang, đang khiến nhiều thành phố của Mỹ phải ban hành lệnh giới nghiêm. Người gây ra cái chết của Floyd là một cảnh sát da trắng tiếp tục thổi bùng lên những phẫn nộ ở quốc gia có lịch sử chia rẽ về chính trị và chủng tộc.
Thêm vào đó, nhiều tuần bị phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan cùng hàng chục triệu người thất nghiệp do dịch bệnh đã khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng đạn cao su để giải tán những đám đông quá khích đang đập phá cửa sổ và phóng hỏa trên đường phố. Nhiều hãng truyền thông cũng trở thành mục tiêu tấn công.
Bên cạnh bạo lực, nước Mỹ có một nỗi ám ảnh khác. Đám đông không đeo khẩu trang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đợt 2, vốn đã làm hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng. Ngay cả khi lệnh giới nghiêm được ban hành, diễn biến phức tạp vẫn xảy ra ở nhiều nơi như Atlanta, Los Angeles, Philadelphia, Denver, Cincinnati, Portland, Oregon và Louisville, Kentucky.
Trước đó, cảnh sát New York cũng đã lao xe vào đám đông người biểu tình. Theo những hình ảnh được ghi lại, các cảnh sát này đang bị đám đông tấn công. Dường như, việc lao xe chỉ là cách để họ cố thoát ra khỏi tình trạng bị bao vây. Tuy nhiên, điều này cũng khiến những người biểu tình tức giận. Dẫu vậy, Thị trưởng thành phố nói rằng cảnh sát không phải những người tạo ra tình huống nguy hiểm này mà thay vào đó họ là những người bị tấn công.
Không chỉ ở Mỹ, biểu tình chống phân biệt chủng tộc cũng đã nổ ra ở London, Anh và Berlin, Đức. Những người biểu tình quỳ ở quảng trường Trafalgar, bắt chước hành động của viên cảnh sát làm người đàn ông da màu thiệt mạng, và hô vang khẩu hiệu "không công lý, không hòa bình". Sau đó, họ diễu qua Hạ viện Anh và Đại sứ quán Mỹ.
Tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, người biểu tình cũng tuần hành và giơ cao khẩu hiệu "Công lý cho George Floyd", "Ngừng giết chúng tôi"….
Linh Anh